top of page

40 Năm Thành Lập

Quá Trình Thành Lập và Phát Triển

Vào những năm đầu của thập niên 80, rất đông người tỵ nạn Việt Nam đã đến và được định cư tại Úc qua chương trình nhân đạo hoặc qua chương trình đoàn tụ gia đình vào những năm sau đó. Số người Việt Nam nói chung, và người Việt thuộc Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc nói riêng, đến cư trú tại tiểu bang Nam Úc ngày một đông hơn. Để duy trì văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam tại hải ngoại và để đáp ứng nhu cầu cần thiết trong việc duy trì tiếng Việt, năm 1983, Cố Linh Mục Quản Nhiệm Âu-tinh Nguyễn Đức Thụ SJ và Hội Đồng Mục Vụ của Cộng Đồng (lúc bấy giờ có tên là Cộng Đồng Thiên Chúa Giáo Người Việt / Nam Úc) đã quyết định thành lập một trung tâm giảng dạy Việt Ngữ  lấy tên là Trường Việt Ngữ Đắc-Lộ và Cha Cố Âu-Tinh Nguyễn Đức Thụ SJ là vị Hiệu Trưởng tiên khởi. Từ năm 1986, Trường Việt Ngữ Đắc-Lộ phối hợp về cơ cấu điều hành với trường Lạc Long và có danh xưng là Liên Trường Lạc Long Đắc-Lộ. Linh Mục Âu-Tinh giữ chức vụ Hiệu Trưởng kiêm Giám Đốc Liên Trường (1986–1991) (1997–1999) (2001–2002). Cho tới năm 2004 thì hai trường đã tách ra, không còn là Liên Trường nữa.

 

Nhân dịp mừng 40 năm thành lập Trường Việt Ngữ Đắc-Lộ, nhà trường xin chân thành cám tạ quý linh mục, tu sĩ và các thành viên trong Ban Mục Vụ Cộng Đồng đã từng tiếp nối Cố Linh Mục Âu-Tinh Nguyễn Đức Thụ SJ đảm nhiệm chức vụ Hiệu Trưởng của trường: LM Giuse Vũ Đình Tường SJ (1992), LM Giuse Phạm Minh Ước SJ (1993), Sơ Elizabeth Bùi Thị Nghĩa RSM (1994–1995), Ông Đa Minh Phạm Khánh Tường (1996), Bác Sĩ Nguyễn Mạnh Việt (2003), LM Gioan Baotixita Nguyễn Viết Huy SJ (2004). Kể từ năm 2005 cho đến nay, ông Phêrô Nguyễn Quốc Hiệp được bổ nhiệm chức vụ Hiệu Trưởng và Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh-Tâm trong trách vụ Quản Nhiệm đã luôn đặc biệt quan tâm, hỗ trợ nhà trường.

 

Bên cạnh đó, nhà trường cũng nhận được sự hỗ trợ của Linh Mục Phêrô Trần Văn Trợ SJ trong chức vụ Hiệu Phó (1997–1998), Sơ Phụ Tá Mục Vụ Cecilia Nguyễn Thị Mạnh Đễ OP và Sơ Cựu Phụ Tá Mục Vụ Maria Trần Thị Thu Trang RSM. Trong suốt một thời gian dài, trường Việt Ngữ Đắc-Lộ đã nhận được sự đóng góp tận lực của Thầy Lê Quang Tín và Thầy Nguyễn Quang Bình, là hai vị cựu Hiệu Phó lâu năm, đã hy sinh thật nhiều thì giờ và tâm sức cho nhà trường. Ngoài ra, xin cám ơn những vị từng là thành viên Ban Điều Hành và đã nhiều năm tích cực đóng góp cho nhà trường: thầy Nguyễn Giõng, thầy Cao Minh Châu, thầy Thái Đức Xuân, thầy Nguyễn Văn Ba, thầy Nguyễn Văn Phụng, thầy Hà Văn Lành, thầy Nguyễn Duy Tân, thầy Phạm Quốc Tuấn, thầy Nguyễn Vĩnh, thầy Nguyễn Văn Sâm. Bên cạnh đó là các thầy cô đã đóng góp nhiều trong công việc giảng dạy và biên soạn tài liệu mà nay đã rời trường: nữ tu Galgano Nguyễn Thị Bảy OP, thầy Trần Quốc Hùng, thầy Hoàng Ánh, thầy Lê Luân Lý, cô Ngô Nam Phương, thầy Huỳnh Thiên Trung, thầy Đặng Thái Minh, cô Nguyễn Mỹ Phương, cô Nguyễn Quỳnh Mai, cô Nguyễn Thị Bạch Tuyết (CN Rosewater), cô Trần Thị Hiên, cô Phạm Thụy Cơ, thầy Nguyễn Hữu Minh, và các vị đã giúp đỡ rất nhiều cho nhà trường về mặt hành chánh: thầy Nguyễn Phương Thanh, ông Đinh Công Khương, ông Nguyễn Peter, cô Trần Thị Thanh Phương và ông Đặng Bình An. Nhà trường xin ghi nhận công sức đóng góp của các thầy cô đã có nhiều năm đóng góp và nay cũng đã rời trường: thầy Nguyễn Hữu Lộc, cô Kiều Thị Mỹ Hạnh, cô Nguyễn Thị Ngọc Lan, cô Lâm Mộng Quyên, cô Trần Thị Bích Liên, thầy Lý Trung Tín, thầy Phạm Văn Hóa, thầy Nguyễn Hữu Tuất, cô Lâm Mộng Thái, cô Nguyễn Thị Hảo, cô Trần Thị Liên, cô Nguyễn Thị Hương, cô Trương Thị Xuân Lang, cô Trần Kiều Oanh, cô Bùi Thị Hị. Trường Việt Ngữ Đắc-Lộ luôn ghi nhớ nhiệt tình và sự tận tụy đóng góp của những vị thầy đã nằm xuống: thầy Đỗ Ngọc Thố, thầy Trần Văn Nhượng, thầy Nguyễn Văn Sâm (Trưởng Chi Nhánh Salisbury), thầy Nguyễn Duy Tân (Phụ Trách Tài Chánh), cô Lê Thị Thu Vân, cô Nguyễn Thị Tốt và thầy Nguyễn Văn Nguyên.

Nhà trường cũng xin chân thành cám ơn quý thầy cô đã đóng góp thật nhiều công sức trong nhiều năm qua và trong việc biên soạn tài liệu sách giáo khoa cho nhà trường mà nay vẫn còn đang tiếp tục: thầy Nguyễn Quốc Hiệp (Hiệu Trưởng), cô Nguyễn Thị Thanh Hồng (Trưởng Ban Chuyên Môn), cô Nguyễn Thị Mộng Cầm (Trưởng Chi Nhánh Pooraka), cô Đặng Thị Thu Vân (Điều Hợp Viên Chương Trình SACE & Trưởng Chi Nhánh Rosewater), thầy Mai Văn Thuyên (Trưởng Chi Nhánh Salisbury), cô Hoàng Thị Thơm, thầy Trần Văn Khánh, cô Đinh Thị Ngọc Nhung, cô Nguyễn Thị Bạch Tuyết (CN Salisbury), cô Nguyễn Đoan Phượng, cô Nguyễn Thị Lệ Hằng (Đặc Trách Tài Chánh) và quý giáo chức đã có rất nhiều năm thâm niên: cô Trần Mĩ Ngọc, cô Nguyễn Thị Điểu, cô Kiều Thị Thanh Hà, cô Trịnh Thúy Lan, cô Vũ Lan Vi, cô Văn Mỹ Phương cùng tất cả thành viên Ban Điều Hành, quý thầy cô và cám ơn sự hỗ trợ của quý phụ huynh, quý ân nhân của nhà trường trong 40 năm qua.

 

Trường Việt Ngữ Đắc-Lộ cũng xin tri ân các trường đã cho mượn cơ sở trong nhiều năm qua, đặc biệt là trường Pooraka Primary School, trường Thomas More College, trường Woodville High School và trường Mount Carmel College.

Mục Đích

Trường Việt Ngữ Đắc-Lộ được thành lập với ba mục đích:

  • Duy trì và phát triển ngôn ngữ Việt

  • Phổ biến văn hóa và phong tục tập quán của người Việt

  • Rèn luyện các đức tính và chú trọng giáo dục về nhân bản để học sinh trở thành con người toàn diện.

  • Phương châm của nhà trường là “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn”.

 

Phương Cách Tổ Chức

Từ những ngày đầu tiên mới thành lập cho đến nay, trường Việt Ngữ Đắc-Lộ hoạt động dưới sự bảo trợ của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc. Trước đây, chức vụ Hiệu Trưởng của Trường Việt Ngữ Đắc-Lộ là do các Linh Mục Quản Nhiệm hay Phó Quản Nhiệm hoặc các vị Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc đảm trách. Kể từ năm 2005, Đức Ông Quản Nhiệm Phaolô Nguyễn Minh-Tâm đã chính thức bổ nhiệm Ban Giám Hiệu nhà trường, với nhiệm kỳ là 3 năm và bao gồm các chức vụ: Hiệu Trưởng, Hiệu Phó và các Phụ Tá Hiệu Trưởng, tùy theo chức năng và nhiệm vụ. Các chức vụ khác của Ban Điều Hành như Trưởng Chi Nhánh và các nhân viên do Hiệu Trưởng bổ nhiệm tùy theo nhu cầu và khả năng của từng cá nhân, trong từng chức vụ.

 

Sinh Hoạt và Điều Hành

Trường Việt Ngữ Đắc-Lộ hiện nay hoạt động tại ba địa điểm khác nhau và được chia thành ba chi nhánh như sau:

  • Chi Nhánh Pooraka đặt tại Trường Pooraka Primary School, bắt đầu từ năm 1991 cho đến nay

  • Chi Nhánh Salisbury đặt tại Trường Thomas More College và bắt đầu từ năm 2002 cho đến nay

  • Chi Nhánh Woodville đặt tại Trường Woodville High School (1992-2017), năm 2018 thì dời về Chi Nhánh Rosewater, đặt tại Trường Mount Carmel Colllege cho đến nay.

 

Việc điều hành nhà trường đòi hỏi rất nhiều công sức cũng như thời giờ đóng góp của từng thành viên trong Ban Giám Hiệu, Ban Điều Hành và tất cả nhân viên của trường. Các sinh hoạt về tài chánh, hành chánh và chuyên môn đã đi vào hệ thống. Cơ cấu điều hành hiện nay đã đơn giản hóa được khá nhiều công việc hành chánh như: ghi danh học sinh, tuyển nhân viên, soạn sách giáo khoa và chương trình chuyên tu. Theo thông lệ, hằng năm, nhà trường tổ chức mừng Tết Trung Thu, thực hiện Tập San, Lễ Bế Giảng, Lễ Tốt Nghiệp cho học sinh Lớp 12.

Nhân Sự

Trong năm học 2023, trường Việt Ngữ Đắc-Lộ có khoảng 550 em học sinh và 40 nhân viên. Ban Giảng Huấn nhà trường là những thiện nguyện viên đã từng có kinh nghiệm giảng dạy tại Việt Nam và tại Úc, hoặc đã tham gia các khóa huấn luyện đặc biệt để giảng dạy ngôn ngữ tại các trường sắc tộc. Một số thầy cô của nhà trường hiện cũng đang giảng dạy tại các trường chính mạch và đã tốt nghiệp văn bằng cử nhân hay thạc sĩ về giáo dục và sư phạm, hoặc đang theo học ngành Sư Phạm tại tiểu bang Nam Úc.

 

Ngoài ra, tất cả nhân viên nhà trường phải hoàn tất thủ tục “Working With Children Check” và học khóa An Toàn Trẻ Em.

 

Vì trường Việt Ngữ Đắc-Lộ là một cơ sở giáo dục trực thuộc Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc, do đó luôn dựa trên nền tảng đức tin Công Giáo và các thành viên nhà trường hoạt động trên tinh thần thiện nguyện.

 

Chuyên Môn

Mỗi năm, nhà trường tổ chức hai buổi huấn luyện chuyên môn vào cuối học kỳ 1 và học kỳ 3, để nâng cao tay nghề cho đội ngũ giáo viên nhà trường và để các thầy cô có cơ hội học hỏi, bàn thảo và chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy.

                                                                                                   

Nhà trường đã soạn thảo Chương Trình Giảng Dạy (Program Outline) và một bộ sách giáo khoa Việt Ngữ từ Lớp Vỡ Lòng đến Lớp 12. Bộ sách này đã giúp giáo viên rất nhiều trong tiến trình giảng dạy cũng như trong việc học tập của học sinh. Mỗi quyển sách đều có phần bài đọc, từ ngữ, câu hỏi gợi ý, phần bài tập ngôn ngữ và có phần song ngữ. Bộ sách giáo khoa đã được tu thư trong nhiều năm qua, nhằm thích ứng với trình độ của học sinh. Ban Chuyên Môn nhà trường cũng đã soạn thảo quyển sách Công Dân Đức Dục, do Đức Ông Quản Nhiệm Phaolô Nguyễn Minh-Tâm đề xướng, để giúp học sinh học được các lễ nghi phép tắc, các truyền thống về văn hóa, đạo đức của dân tộc Việt Nam, cách cư xử trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Mỗi năm, nhà trường phát hành “Tập San Đắc-Lộ” để ghi lại hình ảnh sinh hoạt các lớp, hình ảnh của thầy cô và các bài viết do quý thầy cô, quý phụ huynh và các em học sinh đóng góp.

 

Mừng 40 năm thành lập trường Việt Ngữ Đắc-Lộ, quyển sách “Lịch sử và Địa Lý Việt Nam” đã được Ban Soạn Thảo của nhà trường thực hiện và nhà trường ấn hành năm 2023. Quyển sách đã chính thức ra mắt vào ngày 08 tháng 07 năm 2023 tại Hội Trường Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc, nhằm giúp học sinh các lớp từ Lớp 3 đến Lớp 12 được học hỏi và hiểu biết một cách tổng thể về lịch sử và địa lý của nước Việt Nam thân yêu.

 

Chương trình học cấp Lớp 11 (Stage One) và Lớp 12 (Stage Two) được soạn thảo dựa theo các chủ đề do Nha Khảo Thí (SACE Board) đưa ra, và chương trình giảng dạy đã được SACE Board phê chuẩn. Hằng năm, các em học sinh Lớp 12 luôn đạt thành quả cao và rất nhiều em đạt điểm xuất sắc cho kỳ thi tốt nghiệp lớp 12.

 

Suốt 40 năm kể từ ngày thành lập, trường Việt Ngữ Đắc-Lộ đã tạo được nhiều uy tín và luôn nhận được sự tin cậy của quý phụ huynh, qua những thành quả tốt đẹp mà nhà trường đã gặt hái được trong công việc giảng dạy, nhằm giúp học sinh trau giồi tiếng Việt và giáo dục các em lòng nhân ái, yêu quê hương cũng như tinh thần dấn thân, gánh vác trách nhiệm.

 

Nhìn chung, tuy có nhiều khó khăn và chắc hẳn còn có những lãnh vực cần cải tiến, nhưng cho tới nay, mọi hoạt động của trường Việt Ngữ Đắc-Lộ đã được hệ thống hóa và đi vào nề nếp. Từng thành viên của cộng đồng nhà trường đã nỗ lực, tận tâm, đóng góp nhiều công sức, để trường Việt Ngữ Đắc-Lộ luôn vững tiến, trong vai trò giúp cho thế hệ trẻ gìn giữ tiếng Việt và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trên đất Úc.

 

Trường Việt Ngữ Đắc-Lộ (2023)

bottom of page