Trường Việt Ngữ Đắc-Lộ – Nam Úc
Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn
Tóm Lược Chương Trình Giảng Dạy của Trường Việt Ngữ Đắc-Lộ
Một số điểm chính về chương trình giảng dạy của trường
được thực hiện qua bộ sách Việt Ngữ đã được biên soạn và
tu thư nhằm giúp các em đọc, hiểu, luyện cách dùng từ, trả
lời các câu hỏi đơn giản bằng tiếng Việt dưới cả hai hình thức
nói và viết. Đề tài của các bài học gần gũi với đời sống, sinh
hoạt hàng ngày. Từ ngữ được cập nhật để thích hợp với trình
độ của mỗi cấp lớp. Các câu hỏi và tiêu đề của các bài tập
được trình bày dưới dạng song ngữ Việt - Anh.
-
Cấp lớp Sơ Học (từ Lớp Vỡ Lòng đến Lớp 2) các em được học từ ngữ qua các hình minh họa (flashcards), với nhiều chủ đề như: màu sắc, số đếm, ngày tháng, thời tiết, các mùa, rau cải, trái cây, thức ăn, quần áo, phương hướng, v.v...
-
Cấp lớp Tiểu Học (từ Lớp 3 đến Lớp 6) các em được học về văn phạm để luyện viết câu và các thể loại văn viết.
-
Cấp lớp Trung Học (từ Lớp 7 đến Lớp 12) chú trọng nhiều về cách hành văn và viết các bài luận văn dài hơn như viết báo, viết thư, bình luận v.v ...
-
Đặc biệt, chương trình Lớp 11 và Lớp 12 của trường Đắc-Lộ được soạn thảo dựa trên chương trình SACE (South Australia Certificate of Education) của Bộ Giáo Dục Nam Úc, nhằm vào hai đối tượng học sinh:
1) “Continuers”- là những em học sinh gốc Việt được sinh ra và lớn lên ở Úc
2) “Background Speakers” - là những em học sinh đã sinh ra và được đi học ở Việt Nam trước khi đến Úc
Đây là một chương trình tổng hợp được soạn thảo dựa vào các đề tài do Bộ Giáo Dục Nam Úc đề ra bao gồm:
-
Nhiều hoạt động về ngôn ngữ được hình thành qua các bài đọc và nhiều hoạt động trong lớp như thuyết trình, bàn thảo, xem phim, nghe hiểu, đọc hiểu và thực hành viết một số các thể loại văn như đàm thoại, nhật ký, bài báo, viết thư, tường trình, bài diễn văn
-
Phương pháp giảng dạy bao gồm việc chia từng nhóm nhỏ, từng đôi, cá nhân, học qua phim ảnh, sách vở, tài liệu, báo chí, tạp chí, trang mạng
-
Học sinh phát triển khả năng nghe, nói, đọc và viết qua các sinh hoạt lớp được đề ra cũng như qua phần bài làm có tính cách thực tập không tính điểm và các bài làm có tính điểm.
-
Qua nội dung các bài đọc và qua các sinh hoạt lớp, học sinh sẽ được học về văn hóa Việt Nam.
Bên cạnh bộ sách giáo khoa đã được sử dụng cho mỗi cấp lớp, trường cũng đã soạn thảo, phát hành và sử dụng hai quyển sách quan trọng: quyển Công Dân Đức Dục và quyển Lịch Sử và Địa Lý Việt Nam, trong chương trình giảng dạy của trường. Cả hai quyển sách đều viết bằng song ngữ Việt - Anh. Đây là hai tài liệu trình bày những nét tiêu biểu của các giá trị, các biến cố lịch sử, lãnh thổ và nếp sống của người Việt. Nội dung của hai tài liệu này giúp các em học sinh có một vốn kiến thức căn bản về cội nguồn và văn hóa Việt Nam. Từ căn bản này, các em có cơ hội để mở rộng thêm sự hiểu biết của mình trong tương lai.